Kế hoạch chiến lược phát triển  

 

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC

PHÁT TRIỂN TRƯỜNG THCS ĐƯỜNG HOA

GIAI ĐOẠN 2010 – 2015 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

 

Trường THCS Đường Hoa được thành lập theo Quyết định số 848 QĐ/UB, ngày 08/08/2003 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Hải Hà, trên cơ sở tách ra từ trường PTCS Đường Hoa.  Sau khi đi vào hoạt động, nhà trường đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực cho đất nước và địa phương. Trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nguồn lực con người Việt Nam càng trở nên có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc phát triển đất nước. Giáo dục ngày càng có vai trò và nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng một thế hệ người Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Điều này đòi hỏi giáo dục phải có chiến lược phát triển đúng hướng, hợp quy luật, xu thế và xứng tầm thời đại.

Nghị quyết của các cấp uỷ đảng, Chương trình kế hoạch phát triển giáo dục của UBND huyện và Phòng GD&ĐT Hải Hà đã thống nhất xác định mục tiêu đầu tư xây dựng trường THCS Đường Hoa đạt chuẩn Quốc gia vào giai đoạn 2010-2015.

Chấp hành các chủ trương đó Trường THCS Đường Hoa chủ động đề xuất Kế hoạch chiến lược 10 năm là thể hiện trách nhiệm với phụ huynh, học sinh và sự nghiệp Giáo dục-Đào tạo trước yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và đất nước.

Kế hoạch chiến lược phát triển Trường THCS Đường Hoa giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020, nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển của nhà trường để đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập.

I. TÌNH HÌNH NHÀ TRƯỜNG.

1. Điểm mạnh.

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đoàn kết, trách nhiệm, cầu tiến; đảm bảo số lượng và đạt chuẩn đào tạo; trong đó trên chuẩn chiếm 26.1%.

- Quy mô phát triển của đơn vị thuộc trường hạng 3 với biên chế hằng năm từ  08 -10 lớp và từ 178 - 250 học sinh. Chất lượng giáo dục luôn đạt 98,0% học sinh xếp loại từ trung bình trở lên về hạnh kiểm và học lực; trong đó học sinh khá giỏi chiếm 46,1%.

- Cơ sở vật chất và trang thiết bị của đơn vị đáp ứng cơ bản cho nhu cầu giáo dục đạt mức chất lượng tối thiểu. Bàn ghế HS, phòng học văn hoá cơ bản đủ.

2. Điểm hạn chế.

- Tỷ lệ học sinh bỏ học và yếu kém của đơn vị vẫn còn (bỏ học hàng năm từ 1 – 2 em, HS yếu 2,0%)

- Cơ sở vật chất chưa thực sự đồng bộ, hiện đại. Thiết bị dùng cho các bộ môn thực hành như: Lý, Hoá, Sinh chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống phòng học bộ môn chưa đảm bảo theo quy định. Chưa có phòng thi đấu đa năng để phục vụ nâng cao môn giáo dục thể chất.

3. Thời cơ.

- Được các cấp ủy địa phương quan tâm định hướng phát triển và dự kiến đầu tư xây dựng trường THCS Đường Hoa đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2010-2015 (Nghị quyết BCH Đảng ủy xã Đường Hoa, nhiệm kỳ 2010 – 2015).

- Được sự tín nhiệm của học sinh và phụ huynh trong, ngoài địa bàn.

- Đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, năng động, nhiệt tình và cầu tiến.

- Xu thế phát triển và nhu cầu giáo dục chất lượng  ngày càng cao.

4. Thách thức.

- Nhà trường cần phải được trang bị đồng bộ về cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc dạy và học.

- Sự đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng giáo dục của cha mẹ học sinh và xã hội trong thời kỳ hội nhập.

- Nâng cao nhận thức trách nhiệm gia đình đối với việc học tập, rèn luyện của học sinh.

- Bồi dưỡng cho học sinh: thái độ, động cơ học tập đúng đắn, khả năng tự học và kỹ năng ứng phó trước các tác động của tệ nạn xã hội và vấn nạn “nghiện game onlie” của học sinh.

- Khả năng ứng dụng CNTT trong giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, năng lực chủ động, sáng tạo của cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

5. Xác định các vấn đề ưu tiên.

- Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh.

- Kềm chế tình trạng học sinh bỏ học nửa chừng.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên.

- Ứng dụng CNTT trong dạy – học và công tác quản lý.

- Tranh thủ với các cấp lãnh đạo phát động phong trào toàn xã hội chăm lo nâng cấp hoàn thiện thêm về cơ sở vật chất, xây thêm phòng học bộ môn theo chuẩn quy định.

II. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC.

1. Sứ mệnh.

Hình thành vững chắc được một trường học thân thiện, học sinh tích cực trên nền tảng kỷ cương – tình thương – trách nhiệm để mỗi học sinh luôn có được cơ  hội học tập, rèn luyện đạo đức, phát triển tối đa khả năng tư duy,  lao động và hoạt động xã hội.

2. Hệ thống giá trị cơ bản của nhà trường.

Trong mọi hoạt động nhà trường luôn hướng tới: tình đoàn kết; lòng yêu thương con người; tôn trọng kỷ luật; sống có hoài bão; biết hợp tác; thi đua lành mạnh.

3. Tầm nhìn

Đưa nhà trường phát triển toàn diện đạt trường chuẩn quốc gia, đạt chất lượng giáo dục, thỏa mãn mọi nhu cầu học tập và rèn luyện của học sinh, là nơi để mọi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có điều kiện vươn lên tiên tiến, xuất sắc.

                III. MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC:

1.     Các mục tiêu tổng quát:

1.1- Mục tiêu ngắn hạn (đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục):

- Đến năm 2014, Trường THCS Đường Hoa đạt chuẩn Quốc gia; năm 2015 đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3 và được biết đến là một trường năng động, có tầm nhìn và quyết tâm phát triển cao.

1.2- Mục tiêu trung hạn (phát triển thương hiệu):

- Đến năm 2015, trường THCS Đường Hoa với quy mô trường lớp đảm bảo chất lượng, nơi tin cậy của các bậc phụ huynh.

1.3- Mục tiêu dài hạn (khẳng định thương hiệu):

- Đến năm 2020, trường THCS Đường Hoa được đánh giá là một trường đảm bảo chất lượng của huyện và là trường giữ vững các tiêu chí trường chuẩn Quốc gia và chất lượng trường.

 

          2. Các mục tiêu cụ thể :

2.1 -  Đến năm 2012, Trường THCS Đường Hoa phấn đấu hoàn thành mục tiêu ngắn hạn được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục với các chỉ tiêu quan trọng sau:

+ Đạt 100% tiêu chuẩn1, tiêu chuẩn 2 và tiêu chuẩn 5 về: tổ chức nhà trường, đội ngũ quản lý – giáo viên – nhân viên, công tác xã hội hóa giáo dục theo Thông tư  số 06 /2010/QĐ-BGDĐT.

+  Có ít nhất có 30% giáo viên đạt tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp huyện trở lên; có 100% giáo viên đạt chuẩn loại khá trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên.

+ Tỷ lệ học sinh bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 2,0%, trong đó tỷ lệ học sinh bỏ học là 0%.

+ Chất lượng giáo dục loại khá, giỏi đạt từ 45 – 50% ( học lực giỏi 10% ; học lực khá 35% ; hạnh kiểm khá, tốt chiếm 85% ; hạnh kiểm yếu khống quá 2%).

2.2 -  Đến năm 2014, Trường THCS Đường Hoa hoàn thành  thắng lợi mục tiêu trung hạn với các chỉ tiêu quan trọng sau:

+ Đạt cơ bản các tiêu chuẩn : 1, 2, 3, 4, 5 và đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn chất lượng và đạt các tiêu chí trường chuẩn Quốc gia.

+ Trở thành một trường học được nhân dân tín nhiệm (thương hiệu).

2.3- Đến năm 2015 (năm học 2015-2016), Trường THCS Đường Hoa đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3.

2.4 -  Đến năm 2020, Trường THCS Đường Hoa phấn đấu hoàn thành mục tiêu dài hạn đạt được các tiêu chí  sau:

+ Chất lượng giáo dục được khẳng định.

+ Thương hiệu nhà trường được nâng cao.

+ Tiếp tục được công nhận  danh hiệu trường chuẩn Quốc gia cấp trung học cơ sở  giai đoạn 2019-2024.

3. Phương châm hành động

“ KIÊN TRÌ – VƯỢT KHÓ – VƯƠN LÊN ”

IV. CÁC GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC.

1. Các giải pháp chủ đạo

- Thống nhất nhận thức và hành động của tất cả các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn đơn vị theo các nội dung của Kế hoạch chiến lược. Xây dựng sự đoàn kết, nhất trí cao trong tập thể hội đồng sư phạm để quyết tâm thực hiện được các mục tiêu của Kế hoạch chiến lược.

- Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong Nhà trường hướng tới các giá trị cốt lõi đã nêu.

- Tranh thủ sự đồng thuận và tăng cường sự gắn kết có hiệu quả giữa Nhà trường với các cơ quan, đoàn thể doanh nghiệp, nhà tài trợ và cộng đồng.

2. Các giải pháp cụ thể

2.1.  Xây dựng quy chế và nền nếp hoạt động:

-  Xây dựng cơ chế tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, nhân sự, tài chính và quy chế chi tiêu nội bộ.

- Xây dựng cơ chế chính sách theo hướng phát huy nội lực, khuyến khích phát triển cá nhân và tăng cường hợp tác với bên ngoài.

- Thể chế hóa hệ thống văn bản quản lý và ban hành một số quy chế, quy định mang tính đặc thù của đơn vị đảm bảo sự nhất quán theo tinh thần chỉ đạo của Ngành.

- Phụ trách thực hiện : Hiệu trưởng, văn thư, cán bộ đoàn thể.

2.2.  Hoàn thiện bộ máy tổ chức:

- Kiện toàn cơ cấu tổ chức, phân công bố trí lao động hợp lý, phát huy hiệu quả phù hợp với yêu cầu giảng dạy.

- Thực hiện phân cấp quản lý theo hướng tăng quyền chủ động cho các tổ chuyên môn trong Trường.

- Nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn cho các giáo viên đảm trách vai trò chủ chốt trong bộ máy tổ chức nhà trường.

- Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn; cán bộ đoàn thể.

2.3. Bồi dưỡng chất lượng đội ngũ :

- Quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ giáo viên theo hướng sử dụng tốt đội ngũ hiện có, đáp ứng được yêu cầu của công việc.

- Định kỳ đánh giá chất lượng hoạt động của cán bộ giáo viên thông qua các tiêu chí về hiệu quả, đóng góp cụ thể của cán bộ giáo viên đối với sự phát triển của Nhà trường. Trên cơ sở đó sẽ đề bạt, khen thưởng xứng đáng đối với những cán bộ GV có thành tích xuất sắc.

- Đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ, giáo viên nòng cốt, cán bộ, giáo viên trẻ có trách nhiệm, năng lực... bố trí vào các vị trí chủ chốt của nhà trường.

- Tạo môi trường làm việc năng động, thi đua lành mạnh, đề cao tinh thần hợp tác và chia sẻ với những điều kiện làm việc tốt nhất để mỗi cán bộ  giáo viên, nhân viên đều tự hào, muốn cống hiến và gắn kết với Nhà trường.

- Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn, phó hiệu trưởng.

2.4. Nâng cao chất lượng giáo dục:

- Điều tra, khảo sát và dự báo số lượng, chất lượng học sinh đầu vào để xác định các phương pháp dạy – học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

- Định kỳ rà soát, đổi mới, kiểm định chất lượng giáo dục, nội dung và phương pháp giảng dạy theo xu hướng linh hoạt, hiện đại phù hợp từng đối tượng học sinh và yêu cầu đổi mới giáo dục.

- Thực hiện tốt việc tự đánh giá chất lượng giáo dục.

- Phụ trách thực hiện: Phó hiệu trưởng chuyên môn và các tổ trưởng chuyên môn; đội ngũ giáo viên.

2.5. Đầu tư xây dựng Cơ sở vật chất:

- Tham mưu với cấp trên đầu tư bổ sung cơ sở vật chất, hệ thống các phòng học bộ môn, xây dựng Thư viện và phòng sinh hoạt của các tổ chuyên môn trong suốt nhiệm kỳ của Hội đồng trường.

- Ứng dụng tin học trong quản lý của Nhà trường. Các thông tin quản lý giữa các tổ chuyên môn, các bộ phận trong nhà trường bước đầu qua hộp thư điện tử, kế đến là hệ thống nối mạng nội bộ.

- Tranh thủ các dự án và sự tham mưu, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo và Hội CMHS, các nguồn lực bên ngoài xây dựng hệ thống thoát nước trong khuôn viên trường, cải tạo hàng rào và xây dựng đường chạy thể dục cho học sinh.

- Phụ trách thực hiện: Phó hiệu trưởng; TPT Đội; Bí thư Chi Đoàn; Tổ công nghệ thông tin.

2.6. Lập dự toán kế hoạch - tài chính:

- Xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm của từng tổ CM và  nhà Trường.

- Xây dựng cơ chế tài chính theo hướng tự chủ hoạch toán, và minh bạch các nguồn thu, chi.

- Tham mưu với hội cha mẹ học sinh để tăng cường hỗ trợ đóng góp của phụ huynh.

- Tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức, cá nhân.

- Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng, đội ngũ cán bộ chủ chốt, Kế toán, Trưởng ban đại diện CMHS.

2.7. Chương trình truyền thông, phát triển và quảng bá thương hiệu:

- Đầu tư xây dựng và khai thác có hiệu quả website của Trường.

- Cung cấp các thông tin về hoạt động giáo dục của Trường qua các hội thảo, diễn đàn trao đổi, sách, báo, các tạp chí…

- Khuyến khích giáo  viên tham gia vào các sự kiện, các hoạt động của cộng đồng và ngành.

- Phụ trách thực hiện: Hiệu trưởng và Tổ Công nghệ thông tin.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Ban giám hiệu

- Chỉ đạo xây dựng và phê duyệt lộ trình cụ thể thực hiện kế hoạch chiến lược phát triển tổng thể cho toàn trường.

- Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án có liên quan đến  đơn vị.

- Tổ chức đánh giá thực hiện việc kế hoạch hành động hàng năm của đơn vị và thực hiện kế hoạch chiến lược toàn trường theo từng giai đoạn phát triển.

2. Trách nhiệm của các tổ chuyên môn và các bộ phận nhà trường

- Xây dựng kế hoạch hành động cụ thể (từng năm) trong đó mỗi hoạt động cần nêu rõ mục tiêu cần đạt, kết quả, hiệu quả, tác động, thời gian thực hiện, các nguồn lực thực hiện, người chịu trách nhiệm.

- Tổ chức và phân công thực hiện hợp lý cho các bộ phận, cá nhân phù hợp với trách nhiệm, quyền hạn và nguồn lực.

- Chủ động xây dựng các đề án phát triển của tổ chuyên môn, các tổ chức trong nhà trường.

3. Trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên

- Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phấn đấu trở thành các giáo viên, nhân viên giỏi; xứng đáng là tấm gương sáng về đạo đức, sáng tạo và tự học cho học sinh noi theo.

- Tích cực tham gia, đóng góp vào sự phát triển của nhà trường dựa vào khả năng của mỗi cá nhân với phương châm “ Nỗ lực của cá nhân là thành công của tập thể“ và khẩu hiệu hành động  Kiên trì – Vượt khó – Vươn lên“.

 4. Trách nhiệm của học sinh:

- Ra sức rèn luyện đạo đức và năng lực học tập theo phương châm “Chăm ngoan -  Học tốt’’ và khẩu hiệu hành động: “Kiên trì – Vượt khó – Vươn lên“.

- Tích cực tham gia hoạt động để sau khi tốt nghiệp THCS có kiến thức, kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu xã hội, tiếp tục học trung học hoặc học nghề.

- Phấn đầu trở thành những người công dân tốt.

5. Trách nhiệm của phụ huynh và Ban đại diện cha mẹ học sinh

- Phối hợp với nhà trường, giáo dục và bồi dưỡng cho học sinh các giá trị cốt lõi trong hệ thống giá trị của kế hoạch chiến lược.

- Hỗ trợ tinh thần, vật chất … giúp nhà trường hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển từng giai đoạn của Kế hoạch chiến lược.

VI. ĐỀ XUẤT - KIẾN NGHỊ

1. Đối với Phòng Giáo dục – Đào tạo Hải Hà

-  Đề nghị lãnh đạo Phòng GD-ĐT phê duyệt Kế hoạch chiến lược của đơn vị và tư vấn cho Trường trong các hoạt động triển khai và thực hiện kế hoạch đúng thời gian, tiến độ.

- Tham mưu đề xuất với Sở GD-ĐT Quảng Ninh, UBND huyện Hải Hà. UBND xã Đường Hoa hỗ trợ về cơ chế chính sách, tài chính và nhân lực để trường THCS Đường Hoa thực hiện mục tiêu đạt chuẩn quốc gia vững chắc vào giai đoạn 2010- 2015 như Kế hoạch chiến lược đã đề xuất.

2. Đối với UBND huyện Hải Hà

- Đề nghị UBND huyện Hải Hà hỗ trợ cơ chế chính sách, tài chính đầu tư xây dựng cơ sở vật chất giúp cho Trường THCS Đường Hoa đạt chuẩn quốc gia vào giai đoạn 2010-2015 như Nghị quyết của Đảng bộ xã Đường Hoa nhiệm kỳ 2010 – 2015 và kế hoạch chiến lược của đơn vị đã đề ra.

3. Đối với UBND xã Đường Hoa

- Đề nghị UBND xã Đường Hoa có tham mưu, đề xuất với lãnh đạo huyện Hải Hà hỗ trợ cơ chế chính sách, tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất; vận động nhân dân địa phương thực hiện tốt phong trào xã hội hoá giáo dục giúp cho Trường THCS Đường Hoa đạt chuẩn quốc gia vào giai đoạn 2010-2015.

          Trên đây là toàn bộ Kế hoạch chiến lược phát triển Trường THCS Đường Hoa giai đoạn 2010 – 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Đơn vị sẽ xây dựng lộ trình và cụ thể hóa thành chương trình hành động sát hợp với tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của Ngành nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009 – 2020./.